Triển vọng kinh tế thủy sản toàn cầu năm 2024 (07-05-2024)
Theo FAO, việc lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng nhất định sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành thủy sản thế giới trong năm 2024.
Ảnh minh họa
Giá cả ổn định tại một số thị trường chính tiêu thụ thủy sản khai thác và nuôi trồng là những dấu hiệu đáng khích lệ. Sau thời kỳ dài về lạm phát cao, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, các chỉ số lạm phát tại Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đã giảm kể từ những tháng cuối năm 2023. Tỷ lệ lạm phát cao đã nhường chỗ cho giảm phát (giá tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn trước). Giá thực phẩm, nhiên liệu và thức ăn chăn nuôi dự kiến tiếp tục giảm sẽ giảm bớt áp lực lên an ninh lương thực và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thị trường quốc tế vẫn dễ bị tổn thương và vẫn phải đối mặt với những trở ngại đáng kể để có thể phục hồi như trước. Tiếp nối những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu 2021–2023, cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez nổi lên vào cuối năm 2023 cũng như những hạn chế về năng lực vận chuyển tại Kênh đào Panama (do nạn hạn hán) đã khiến giá cước vận tải tăng vọt, gây ra những làn sóng chấn động đối với thương mại quốc tế. Có thể dễ dàng nhận thấy tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đối với chi phí vận chuyển. Ngoài ra, nguồn cung giảm do hiện tượng thời tiết El Niño sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến không chỉ nguồn cung bột cá và dầu cá mà còn cả các mặt hàng khác, trong khi các cuộc xung đột và tình trạng mất an ninh lương thực có thể tái lập nhanh chóng những biến động trên thị trường thực phẩm quốc tế.
Nhìn chung, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản đã có tình trạng trì trệ trong suốt năm 2023, đặc trưng bởi nhu cầu tiêu thụ yếu, hạn ngạch giảm đối với một số nghề đánh bắt tự nhiên quan trọng và giảm tốc độ tăng trưởng trong đầu tư nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản 2023 tăng nhẹ 0,6% so với năm 2022, với sự mở rộng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản đã bù đắp cho sự thiếu hụt trong sản lượng đánh bắt. Tuy nhiên, khối lượng thương mại giảm xuống 65 triệu tấn, giảm 4,3% so với năm 2022. Giá trị thương mại thủy sản toàn cầu năm 2023 là 183,7 tỷ USD, giảm 2,6%. Phần lớn sự sụt giảm này là do hạn ngạch giảm đối với các nghề khai thác thủy sản trong tự nhiên.
Tháng 9 năm 2023, chỉ số giá thủy sản của FAO (FAO Fish Price Index) là 113 điểm, giảm 9 điểm kể từ đầu năm. Các động lực khác nhau ảnh hưởng đến các phân khúc khác nhau của ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản đã được phản ánh trong các xu hướng khác nhau đối với các loài khác nhau. Cụ thể là: Trong khi nguồn cung hạn chế giữ giá cá thịt trắng duy trì ở mức cao, thì giá chung của các loài thủy sản nuôi trồng khác đều giảm sau mức đỉnh đã đạt vào tháng 4 năm 2022. Đặc biệt, giá tôm nuôi giảm mạnh do nguồn cung dư thừa; trong đó có sản lượng tôm ở Ecuador tiếp tục tăng, giữ giá thấp. Đúng như dự đoán, hiện tượng thời tiết El Niño mang tính chu kỳ đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho nghề khai thác cá cơm của Peru, khiến giá dầu cá tăng cao.
Các quy định mới về kiểm soát biên giới đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Liên minh Châu Âu nhập khẩu vào Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Vương quốc Anh) có hiệu lực từ ngày 31 tháng 1 năm 2024. Mặc dù hàng hóa có nguồn gốc từ Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu không phải chịu thuế và hạn ngạch ở các thị trường của nhau, tất cả các sản phẩm thực phẩm giờ đây sẽ phải được kiểm tra để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia. Trong thời gian tới, toàn bộ các hoạt động kiểm tra Hải quan cũng như vệ sinh và kiểm dịch thực vật (sanitary and phytosanitary - SPS) đối với hàng hóa từ Liên minh Châu Âu vào Vương quốc Anh sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, và các nhà xuất khẩu Châu Âu hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như các đồng nghiệp người Anh của họ đã đối mặt trong suốt 3 năm qua. Sự quan liêu và bất cập đã gây ra những cản trở đặc biệt cho các nhà xuất khẩu của Anh sang Liên minh Châu Âu; tạo nên sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu thủy sản từ Vương quốc Anh sang Liên minh Châu Âu sau khi áp dụng các biện pháp kiểm tra Hải quan bổ sung của Liên minh Châu Âu.
Ngọc Thúy (theo FAO)